Thăm trường học trẻ em Việt Nam lênh đênh trên Biển Hồ

Hai chữ đồng bào ân nghĩa nặng
(Tản Đà)

Biển Hồ trong tiếng Khmer gọi là Tonle Sap (Tonle Sap Lake), nằm ở phía tây bắc Campuchia. Phần nhỏ và dài nối với sông Me Kong cũng gọi là Tonle Sap nhưng có khi kèm chữ “sông” (Tonle Sap River), phần này được coi như một nhánh của sông Me Kong, chảy qua lại giữa Biển Hồ và sông Me Kong theo hai mùa cạn lũ. Năm tỉnh bao quanh Biển Hồ và cùng chia nhau nguồn lợi Biển Hồ là: Siam Reap ở phía bắc, Batambang phía tây bắc, Pursat phía tây nam, Kampong Chnang phía đông nam, Kampong Thom phía đông.

Mực nước và diện tích Biển Hồ thay đổi theo mùa: mùa cạn (tháng 11 đến tháng 5) hồ chỉ sâu khoảng 1,6m với diện tích 10.000km²; mùa nước (tháng 6 đến tháng 10), nước lũ từ sông Me Kong dâng lên khiến sông Tonle Sap chảy ngược trở lại Biển Hồ, mực nước Biển Hồ có thể sâu đến 9m và diện tích thành 16.000km² (có tài liệu nói 24.000 km²), tức là gấp 4 lần một tỉnh trung bình như tỉnh Tây Ninh, hay tương đương tỉnh Nghệ An là tỉnh to nhất nước ta hiện nay). Đồng ruộng và cây rừng trong khu vực ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài thủy sản nước ngọt. Người ta tính rằng nghề cá trên Biển Hồ nuôi sống đến 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt, chiếm 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia.

Biển Hồ giàu có như vậy nhưng đối với người Việt sinh sống ở đây lại là một nghịch lý đau buồn. Trong chuyến đi du lịch Campuchia vừa rồi, chúng tôi mới biết trên khắp 5 tỉnh nói trên đều có các cộng đồng người Việt, mỗi cộng đồng đông đến hàng nghìn người, sống lênh đênh, nghèo khổ và thất học.

Đọc lịch sử thì biết rằng người Việt đã đến sinh sống ở xứ sở chùa tháp từ khá lâu, có thể cùng thời gian với những người đi mở đất Đồng Nai. Khi ấy (khoảng giữa thế kỷ XVII), cả Nam Bộ nối liền với Campuchia ngày nay đều là đất Chân Lạp. Về sau, đất Nam Bộ thuộc về Việt Nam nhưng biên giới cũng phải hàng trăm năm mới ổn định. Có những vùng đã từng thuộc về đất Việt nhưng sau lại trở về đất Miên, cho nên, chắc chắn có những đồng bào ta bị kẹt lại. Chưa kể, trước sự bành trướng của phong kiến Xiêm và sự tranh giành quyền lực trong nội bộ nhà nước Miên, các chúa Nguyễn cũng như triều Nguyễn sau này thường đưa quân sang “giúp” các chúa Chân Lạp. Có lúc quân Nguyễn đồn trú đông đảo tại thành Trấn Tây (Phnom Penh ngày nay). Cho nên trước khi người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương (1887) thì đã có khá đông người Việt ở Campuchia rồi.

Từ khi thiết lập LB Đông Dương, số người Việt ở Campuchia tăng rất nhanh. Một phần do công chức Việt Nam được điều động sang, một phần do người Việt sang lập đồn điền và theo chân họ là lao động Việt Nam các loại. Năm 1908 đã có 60.000 người Việt trên đất Campuchia và đến năm 1937 có đến 191.000 người. Tuy nhiên, từ khi người Pháp rút đi, mỗi khi nước này có xung đột hay biến động chính trị thì người Việt Nam thường bị xua đuổi, bị giết hại. Do đó số dân Việt tại mỗi thời điểm rất khác nhau. Con số hiện nay có tài liệu nói 156.000 nhưng có tài liệu nói là nửa triệu. Dù thế nào cũng là những con số không nhỏ. Hiện nay người Việt là dân tộc thiểu số đông nhất trên đất nước chùa tháp.

Trở lại cộng đồng người Việt sinh sống trên Biển Hồ. Cộng đồng người Việt này đông đúc đến bất ngờ. Tỉnh Siem Reap nằm ở tây bắc Campuchia, là tỉnh xa lãnh thổ Việt Nam nhất có sở hữu Biển Hồ mà, theo HDV Rayou Sareach (quen gọi là Du), cũng có đến 527 hộ gia đình người Việt. Còn tỉnh Kampong Chnang – tỉnh có Biển Hồ – gần Việt Nam nhất thì có đến 11.200 hộ, với khoảng 55.200 người (theo VnExpress ngày 17-8-2010).

Nhưng điều bất ngờ hơn: họ là những người không quốc tịch, không những không được chính phủ Campuchia quan tâm mà còn bị kỳ thị [1]. Một số vẫn còn nhớ quê hương bản quán của mình. Nhưng phần đông đã sống qua nhiều thế hệ và cũng do không biết chữ nên không biết quê mình ở đâu, chỉ biết mình là người Việt Nam và vẫn nói sõi tiếng Việt [2].

Nhà nổi của ngư dân nghèo

Đáng thương nhất là những trẻ em sinh ra ở đây, nhìn chung không được học hành có bài bản. Mỗi cộng đồng Việt ở các tỉnh trên chỉ có các trường học “tình thương” nhờ vào các tấm lòng từ thiện. Ở Siem Reap, trường học “tình thương” do thầy giáo Trần Văn Tư (nay đã 80 tuổi (2016) sang đây mở đã hơn 30 năm, thu nhận con em người Việt học miễn phí và có cơm trưa.

Buổi chiều hôm trước, khi nghe cậu Du nói một số thông tin về trường học này, chúng tôi đã vô cùng xúc động, liền đề nghị cậu ấy tổ chức đi thăm. Việc này không nằm trong tua du lịch nên Du bảo mỗi người góp 500.000đ và phải có ít nhất 10 người thì mới dẫn đi. Nhưng tới lúc đi thì chỉ có đúng 5 người của Nhà xuất bản Giáo dục chúng tôi với một cô giáo đi cùng đăng ký. Chúng tôi vui vẻ đóng thêm tiền chứ không thể bỏ nghĩa cử này. Kể cũng hơi buồn vì tua có hơn 30 người, trong đó có mấy gia đình Việt Kiều từ Mỹ và châu Âu về, lại có một nhóm các cô “sồn sồn” làm nghề du lịch ở Hà Nội, cuộc sống xem ra khá giả hơn chúng tôi nhiều mà không hiểu sao họ không đi. Tôi bỗng cảm động khôn xiết về những tấm lòng người thầy. Phải nói rằng, thầy giáo và thầy thuốc, hai hạng người này dù xã hội có vô cảm trầm trọng đến mức nào, thì họ vẫn chưa hết tình yêu thương con người, nhất là với những số phận không được may mắn. Khi đến lớp học, chúng tôi còn gặp 2 bác có tuổi nữa cũng là nhà giáo và là người của NXB Giáo dục chúng tôi đã về hưu. Hai bác đi một tua khác, khi biết có lớp học này cũng tách tua để đi thăm như chúng tôi.

Lớp học là một ngôi nhà nổi, chính là một con tàu nhỏ trôi nổi theo mùa nước chứ không ở một chỗ nhất định. Không có bàn ghế, các em ngồi “xếp bằng” trên sàn gỗ để học. Được báo trước nên thầy hiệu trưởng, hai cô giáo và khoảng bốn, năm chục học sinh tiểu học, có đủ từ lớp 1 đến lớp 5, đã chờ sẵn để đón khách. Các em hát những bài hát Việt Nam một cách thành thạo. Một bé trai gầy gò bé nhỏ hát bài “Chú ếch con” khiến chúng tôi trào nước mắt. Bất giác tôi nghĩ tất cả các em đây đều là những “chú ếch con” bị lạc đàn phải tha thủi kiếm ăn nơi đất khách quê người.

Tôi hỏi chuyện một vài em về gia đình. Cha mẹ các em có người làm nghề đánh cá, có người làm các nghề buôn bán nhỏ hoặc làm các dịch vụ lặt vặt. Các em đôi khi phải nghỉ học để phụ giúp công việc của cha mẹ. Hầu hết các em gầy còm, bé nhỏ, nhiều em nước da sạm nắng của cái nắng gay gắt xứ sở này, nhưng mặt mũi rất khôi ngô, nhất là những đôi mắt rất sáng, rất đẹp. Và dù đen đủi, gầy gò, nét mặt các em vẫn phân biệt rất rõ với trẻ em người Miên, khiến chúng tôi cảm nhận từ trong bản năng tình dân tộc và nghĩa đồng bào vô cùng thân thương.

Theo thói quen nghề nghiệp, chúng tôi hỏi các em học theo chương trình nào, sách giáo khoa, tài liệu ở đâu, thì thật bất ngờ, đó là những cuốn sách của Nhà xuất bản Giáo dục chúng tôi, những cuốn sách do chính tay chúng tôi làm ra! Thì ra Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái của chúng tôi đã đến đây tặng sách tự bao giờ! Chúng tôi giở những trang cuối sách chỉ cho các thầy cô và các em từng tên người biên tập nội dung, biên tập sách này chính là cô này, biên tập sách này chính là thầy kia… Nhưng chưa kịp mừng thì tôi đã cảm thấy có điều ái ngại. Những nội dung học này liệu có vừa sức với các em ở đây, kể cả thầy cô, nơi mà điều kiện học tập còn không được bằng vùng sâu vùng xa bên đất nước mình? Chưa kể, những bài tập đọc, những đề tập làm văn trong sách Tiếng Việt hầu hết là nói về cuộc sống bên Việt Nam, liệu có quá xa lạ với các em? Giá như có thể ở đây được ít ngày chúng tôi sẽ tập huấn cho các thầy cô giáo cách sử dụng sách sao cho thật linh hoạt, thậm chí nếu cần, các thầy cô có thể tự soạn bài học sao cho phù hợp. Chưa kể, có thể các thầy cô cần phải dạy một số nội dung của nhà trường Campuchia nữa, như tiếng Khmer, lịch sử, địa lý, pháp luật, văn hóa Campuchia,… để các em có thể vào học các trường Campuchia khi có điều kiện.

Thời gian gặp gỡ những người đồng bào nghèo khó của mình quá ngắn ngủi. Chia tay, chúng tôi để lại ít tiền ủng hộ và ghi địa chỉ để liên lạc về sau. Tuy vậy có thể biết trước rằng khi trở về, việc đời lôi cuốn, bận bịu triền miên, biết khi nào lại quan tâm được đến cộng đồng nhỏ bé và vô danh này. Nhưng có điều chắc chắn là mỗi khi nhớ đến họ là nhớ đến một núm ruột đồng bào, nhớ đến một phần của bọc trứng mẹ Âu Cơ đã và đang lưu lạc ở chốn heo hút này.

Đào Tiến Thi
(Hà Nội cuối năm 2016 – đầu năm 2017)

Trả lời